Châu Á: Hợp lực phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

Thứ năm - 03/07/2025 02:03 7 0
Là vùng sản xuất và tiêu thụ thủy sản hàng đầu thế giới, châu Á chịu trách nhiệm to lớn trong việc thúc đẩy các thực hành bền vững xuyên suốt chuỗi cung ứng nhằm bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên.
 
Báo cáo “Tương lai đại dương đến năm 2050” của DNV – tổ chức quốc tế về quản lý rủi ro – cho thấy, tại Đông Nam Á, thủy sản nước ngọt và nước mặn sẽ chiếm hơn 30% nhu cầu protein, cao nhất thế giới. Hầu hết các khu vực ngoài Mỹ Latinh và OECD Thái Bình Dương cũng ghi nhận nhu cầu thủy sản tăng mạnh. Với vai trò là trung tâm sản xuất và tiêu thụ thủy sản toàn cầu, châu Á đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy chuỗi cung ứng bền vững và bảo vệ hệ sinh thái. Vậy ngành nuôi trồng thủy sản đang triển khai các giải pháp này như thế nào?
Châu Á hợp lực phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững
Chuỗi cung ứng bền vững
Nuôi trồng thủy sản bền vững cần dựa vào hệ sinh thái biển và nước ngọt khỏe mạnh. Việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, khai thác có trách nhiệm và bảo tồn đa dạng sinh học là nền tảng để duy trì nguồn lợi và ngăn chặn suy thoái môi trường. Trong khâu sản xuất, thức ăn thủy sản là thách thức lớn về tính bền vững, ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ chuỗi giá trị. Sự phụ thuộc vào cá biển hoang dã để sản xuất bột và dầu cá đang làm mất cân bằng hệ sinh thái, trong khi nguyên liệu từ cây trồng không bền vững góp phần vào nạn phá rừng và suy thoái đất.
Giải pháp là chuyển sang mô hình cung ứng có trách nhiệm: tận dụng phụ phẩm, sử dụng protein thay thế và phát triển công nghệ thức ăn tuần hoàn. Những đổi mới này giúp giảm áp lực lên tài nguyên biển, đảm bảo an ninh lương thực và thúc đẩy phát triển thủy sản trong giới hạn sinh thái. 
Mối liên kết giữa khai thác biển và nuôi trồng thủy sản đòi hỏi ngành phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Hướng đi mới là kết hợp nguyên liệu thực vật, phụ phẩm động vật và các giải pháp thay thế bền vững, tạo nền tảng cho một ngành thủy sản phát triển hài hòa và lâu dài. 
Quản lý chất thải trong mô hình IMTA
Nuôi trồng thủy sản hiện đại không chỉ đối mặt với bài toán về thức ăn mà còn phải giải quyết nhiều thách thức như quản lý chất thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ đa dạng sinh học. Thức ăn thừa và phân cá có thể gây ô nhiễm nguồn nước, đòi hỏi chiến lược cho ăn hợp lý và hệ thống xử lý chất thải hiệu quả.
Trong chuỗi cung ứng thủy sản, giai đoạn chế biến và phân phối bao gồm vận chuyển, logistics và nhà máy chế biến đã tạo ra tác động môi trường đáng kể. Vì vậy, việc giảm chất thải và khí thải thông qua tiết kiệm năng lượng và sử dụng hiệu quả tài nguyên là ưu tiên hàng đầu. 
Việc sử dụng tài nguyên như nước ngọt và đất đai cần được tối ưu thông qua lựa chọn địa điểm phù hợp và áp dụng các mô hình tiên tiến như nuôi biển xa bờ hoặc nuôi trồng thủy sản đa tầng tích hợp (IMTA). Cá nuôi thoát ra ngoài có thể đe dọa quần thể hoang dã qua việc lây bệnh và thay đổi di truyền, do đó cần tăng cường an ninh sinh học và thực hành nuôi có trách nhiệm.
Trong xu hướng phát triển bền vững, rong biển đang trở thành yếu tố chiến lược nhờ nhu cầu ngày càng tăng. Không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, rong biển còn mang lại lợi ích môi trường rõ rệt: hấp thụ CO2, cải thiện chất lượng nước và tạo sinh cảnh tự nhiên, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.
Truy xuất nguồn gốc
Tính bền vững đang trở thành yếu tố cạnh tranh quan trọng. Dù nhận thức về chứng nhận và nhãn mác còn khác nhau giữa các khu vực, ngày càng nhiều người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm thủy sản có nguồn gốc rõ ràng và được chứng nhận bền vững. Các chương trình như MSC (đánh bắt), ASC và Global G.A.P. (nuôi trồng) cung cấp các nhãn hiệu như MSC, ASC, GGN để xác nhận sản phẩm đạt chuẩn quốc tế. Ghi nhãn không chỉ đảm bảo minh bạch mà còn tạo dựng niềm tin, khẳng định cam kết với các thực hành bền vững và có trách nhiệm.
Truy xuất nguồn gốc là yếu tố then chốt giúp nâng cao tính minh bạch, năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển bền vững. Ngoài việc đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng, truy xuất còn hỗ trợ doanh nghiệp đạt các chứng nhận uy tín như MSC, ASC – minh chứng cho sự tuân thủ pháp lý và trách nhiệm môi trường.
Doanh nghiệp có hệ thống truy xuất rõ ràng sẽ dễ dàng khẳng định uy tín, giảm rủi ro và tạo khác biệt trên thị trường. Trong bối cảnh ngành thủy sản ngày càng hướng đến phát triển bền vững, truy xuất nguồn gốc không còn là lựa chọn mà là điều kiện tiên quyết để dẫn đầu.
Cuối cùng, sự liên kết chặt chẽ trong toàn chuỗi, từ bảo vệ tài nguyên đến sản xuất, chế biến và phân phối, là nền tảng cho sự phát triển lâu dài của ngành. Chỉ khi có sự đồng thuận, minh bạch và chia sẻ trách nhiệm, ngành nuôi trồng thủy sản mới có thể phát triển bền vững.

Tác giả bài viết: Vũ Đức/Tạp chí Thủy sản/Asia Pacific Aquaculture

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thông tin
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây