HỘI THỦY SẢN VIỆT NAM - VINAFIShttps://vinafis.org.vn/uploads/logo-web-105.png
Chủ nhật - 29/06/2025 22:0450
Chiều 29/6/2025, tại phường Đình Bảng, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I long trọng tổ chức lễ tưởng niệm Phó Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Trần Mai Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (giai đoạn 1994–2002).
Toàn cảnh buổi Lễ.
Buổi lễ có sự tham dự của TS. Lê Thanh Lựu, Ủy viên Ban thường vụ Hội Thủy sản Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng Thư ký Hội Thủy sản Việt Nam, cùng các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên của Hội; đông đảo cán bộ lão thành, đồng nghiệp trong nước và nước ngoài,... đến dâng hương, tưởng niệm, bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với một nhà khoa học uyên bác, tận tụy cả cuộc đời cho sự nghiệp phát triển ngành thủy sản nước nhà.
Bà Đặng Thị Lụa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I phát biểu tại buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Đặng Thị Lụa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc và tri ân đến Tiến sĩ khoa học Trần Mai Thiên và nhấn mạnh những cống hiến to lớn của Tiến sĩ khoa học Trần Mai Thiên sẽ mãi là di sản quý báu, là nguồn cảm hứng để các thế hệ cán bộ, nhà khoa học của Viện I tiếp tục phấn đấu, đóng góp cho sự phát triển của ngành thủy sản Việt Nam. Một đời tận hiến cho giống cá Việt
TS.KH Trần Mai Thiên sinh ngày 28 tháng 12 năm 1941, tại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Ông là một trong những nhà khoa học đầu ngành, người đặt nền móng cho lĩnh vực nghiên cứu chọn tạo giống cá nước ngọt tại Việt Nam, đặc biệt là cá chép – đối tượng thủy sản có giá trị truyền thống và kinh tế cao.
Ông công tác tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I từ năm 1972. Trong quá trình công tác, ông từng giữ các chức vụ:
• Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thủy sản nội địa (1982–1983)
• Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (1983–1994)
• Thực tập sinh cao cấp tại Liên Xô (1985–1988), nơi ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Khoa học
• Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (1994–2002)
Ông là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 1/9/1979, suốt đời giữ vững phẩm chất người cán bộ khoa học mẫu mực, liêm chính, tận tâm.
Tổng Thư ký Hội Thủy sản Việt Nam - ông Nguyễn Hữu Dũng cùng các đại biểu dâng hương tưởng niệm TSKH Trần Mai Thiên.
Dẫn dắt Viện I trong giai đoạn phát triển vượt bậc (1994–2002)
Giai đoạn giữ cương vị Viện trưởng, TS.KH Trần Mai Thiên đã ghi nhiều dấu ấn đậm nét:
• Hoàn thiện và công bố giống cá chép V1 (1998): Giống cá chép lai từ ba dòng Việt Nam – Hungary – Indonesia có tốc độ tăng trưởng vượt trội, khả năng thích nghi tốt, được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất và nhanh chóng trở thành giống chủ lực ở nhiều tỉnh miền Bắc.
• Thúc đẩy chuyển giao công nghệ giống cá đến các địa phương như Hải Dương, Bắc Giang, Hà Nam, góp phần đưa kỹ thuật chọn giống từ phòng thí nghiệm đến ao nuôi của nông dân.
• Mở rộng hợp tác quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực di truyền và công nghệ sinh học, từng bước nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng của Viện.
• Đào tạo đội ngũ kế cận, nâng cao chất lượng nghiên cứu và quản lý khoa học. Nhiều học trò của ông sau này trở thành những nhà khoa học đầu ngành.
"Một phút mặc niệm" TSKH Trần Mai Thiên
Ghi nhận và vinh danh
Trong suốt quá trình công tác, TS.KH Trần Mai Thiên đã cùng tập thể cán bộ, công nhân viên chức của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I triển khai thành công nhiều đề tài, dự án phát triển thủy sản có giá trị khoa học và thực tiễn cao. Những nỗ lực đó đã góp phần đưa Viện trở thành đơn vị đầu ngành, được Đảng và Nhà nước ghi nhận với nhiều phần thưởng cao quý:
• Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1992 và 1998)
• Giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2000) cho tập thể nghiên cứu và phát triển sản xuất giống cá nước ngọt
• Danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (năm 2000)
• Cờ thi đua của Chính phủ (năm 2001 và 2002)
Đây là minh chứng cho sự đoàn kết, sáng tạo và cống hiến không ngừng nghỉ của một tập thể khoa học, trong đó TS.KH Trần Mai Thiên là hạt nhân lãnh đạo tận tâm và gương mẫu.
Các nhà khoa học, cộng sự trong nước và quốc tế của TSKH Trần Mai Thiên tại Lễ tưởng niệm.
Di sản khoa học còn mãi
Di sản lớn nhất mà TS.KH Trần Mai Thiên để lại không chỉ là giống cá chép V1 vang danh, mà còn là tư tưởng làm khoa học bền bỉ, gắn bó thực tiễn, đặt lợi ích của người dân và ngành sản xuất lên hàng đầu. Tên tuổi ông gắn liền với thời kỳ vàng son của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I và là biểu tượng của một nhà khoa học gương mẫu, khiêm nhường, tận tâm với nghề.
Ông đã yên nghỉ, nhưng những gì ông để lại – từ những ao cá no đủ, những thế hệ học trò trưởng thành, đến cả nền móng khoa học hiện đại – sẽ mãi đồng hành cùng sự phát triển bền vững của thủy sản Việt Nam.