HỘI THỦY SẢN VIỆT NAMhttp://vinafis.org.vn/uploads/logo-web-105.png
Thứ năm - 17/04/2025 01:08
Sáng 17/4 tại thành phố Cần Thơ, Cục Thủy sản và Kiểm ngư, Sở Nông nghiệp và Môi trường thành phố Cần Thơ và Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản (VASEP) phối hợp tổ chức Hội thảo “Giải pháp tổ chức sản xuất và xuất khẩu cá rô phi năm 2025”.
Báo cáo tại Hội thảo cho thấy, năm 2024, diện tích nuôi cá rô phi khoảng 42.000 ha, sản lượng ước đạt 316.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 30,9 triệu USD. Riêng giá trị kim ngạch xuất khẩu cá rô phi 2 tháng đầu năm nay đã đạt 7 triệu USD.
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Thủy sản và Kiểm ngư Trần Đình Luân cho biết, hiện nay các ngành hàng từ nuôi trồng thủy sản mặc dù có sản lượng lớn nhưng hiệu quả kinh tế chưa cao do giá bán còn thấp, rủi ro dịch bệnh tăng… Để tăng tính cạnh tranh và hiệu quả thì cần đa dạng hóa đối tượng, phương thức nuôi mà nước ta có lợi thế, góp phần chuyển đổi cơ cấu, tăng giá trị và hiệu quả sản xuất. Đây cũng là hướng đi phù hợp với định hướng chiến lượng phát triển ngành và mục tiêu của Chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2030.
“Trong các đối tượng thủy sản có tiềm năng thì cá rô phi hội tụ nhiều điều kiện phát triển. Trong đó, cá rô phi có tiềm năng lớn để tăng sản lượng, hơn nữa nhu cầu thị trường trong nước và thế giới cũng tăng nhanh. Ngoài ra, việc nuôi cá rô phi kết hợp hoặc luân canh với tôm nước lợ không những tạo ra sản phẩm cá rô phi chất lượng cao mà còn góp phần kiểm soát dịch bệnh trên tôm nuôi, rất phù hợp trong bối cảnh Việt Nam chịu tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng kéo theo gia tăng xâm nhập mặn,…”, ông Luân phân tích.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Hiện nay, cá rô phi được nuôi ở khoảng 80 quốc gia. Đây là một trong những loài cá có thịt trắng thơm ngon, dinh dưỡng được nhiều thị trường trên thế giới ưa thích. Xu hướng thương mại của loài cá này đang tăng khi người tiêu dùng tại các quốc gia trên thế giới ngày càng ưa chuộng.
Trong gần 15 năm qua kể từ năm 2010, đến nay sức tiêu thụ cá rô phi thế giới tăng trưởng 5,4%. Ước tính sản lượng cá rô phi trên toàn thế giới, năm 2024 đạt khoảng 7 triệu tấn, tăng 5% so với năm 2023. Trong đó, Trung Quốc là quốc gia đứng đầu về sản xuất cá rô phi, tiếp đó đến các nước như Indonesia, Ai Cập. Diện tích nuôi cá rô phi ở nước ta tăng nhanh, nếu như năm 2012 đạt 19.219 ha thì đến năm 2024 diện tích nuôi cá rô phi của cả nước đạt khoảng 42.000 ha, sản lượng 316.000 tấn. Xuất khẩu cá rô phi Việt Nam năm 2024 đạt hơn 30,9 triệu USD sang các thị trường.
Nước ta có nhiều lợi thế để mở rộng diện tích nuôi cá rô phi như khí hậu nhiệt đới, diện tích mặt nước lớn (với 3.300 ha tại ĐBSCL), rất thích hợp nuôi cá rô phi với chu kỳ ngắn từ 5 – 6 tháng. Hơn nữa, chi phí nuôi lại thấp, với công nghệ bể bạt góp phần tăng năng suất, giảm dịch bệnh.
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong nghiên cứu, tổ chức sản xuất cá rô phi, nhờ vậy đã có sự tăng trưởng nhanh về diện tích nuôi, năng suất và sản lượng. Tuy vậy, phát triển đối tượng nuôi này còn bộc lộ nhiều bất cập trong tổ chức sản xuất, hạ tầng vùng nuôi, chất lượng sản phẩm. Mặt khác, hạn chế về số lượng, chất lượng cá giống khiến chúng ta chưa tạo ra được sản lượng cá rô phi hàng hóa chất lượng cao. Thực tế, phần lớn sản phẩm cá rô phi chỉ được tiêu dùng trong nước.
Gần đây, đã có một số doanh nghiệp tiên phong trong phát triển nuôi cá rô phi xuất khẩu. Tuy sản lượng xuất khẩu còn thấp nhưng đã bước đầu phát triển mở rộng thị trường, tạo động lực tăng sản lượng cá rô phi trong nước.
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe báo cáo của Cục Thuỷ sản và Kiểm ngư, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam và chuyên gia về sản xuất cá rô phi của Công ty De Heus tập trung vào các nội dung như: Thị trường cá rô phi toàn cầu năm 2024 – 2025 và Chiến lược xuất khẩu cá rô phi của Việt Nam; Chính sách của nhà nước cho quy hoạch phát triển nuôi và sản xuất, xuất khẩu cá rô phi; Tình hình nuôi và sản xuất cá rô phi tại Việt Nam, thực tại và đề xuất các giải pháp. Cùng với đó là báo cáo về Tình hình sản xuất nuôi trồng thuỷ sản tại địa phương; Tiềm năng, định hướng sản xuất cá rô phi,…
Hội thảo đã giúp các đại biểu có cái nhìn chân thực nhất về hiện trạng sản xuất và xuất khẩu cá rô phi hiện nay, từ đó bàn giải pháp thúc đẩy phát triển nuôi và xuất khẩu cá rô phi, góp phần đa dạng hoá đối tượng, tăng sản lượng nuôi trồng và xuất khẩu.
Về một số giải pháp phát triển ngành cá rô phi Việt Nam, VASEP đề xuất: Đầu tư nghiên cứu giống chất lượng cao, kháng bệnh tốt, nghiên cứu giống GIFT, kháng TiLV; mở rộng RAS, bể bạt. Hợp tác với các doanh nghiệp thức ăn để tự chủ thức ăn trong nước (giảm 15% chi phí). Nâng cao năng lực chế biến thông qua việc đầu tư dây chuyền fillet tự động, tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng như hun khói, snack. Khuyến khích phát triển vùng nuôi đạt chứng nhận ASC, BAP.
Cùng với đó, cần minh bạch hóa chuỗi cung ứng, sử dụng blockchain để truy xuất nguồn gốc. Đàm phán miễn thuế với Mỹ, tham gia các hội chợ quốc tế tại các thị trường. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, nhắm vào thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản, Trung Đông; Xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa các bên. Tăng cường chính sách hỗ trợ như quỹ thuê đất, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, quỹ bảo hiểm, phòng vệ thương mại chống kiện bán phá giá; Đào tạo kỹ thuật, hỗ trợ vốn; học hỏi mô hình từ Brazil, Ai Cập,…